Những thói hư tật xấu của người Việt thì đã được nhắc đến nhiều nhưng hình như chưa thấy ai nói đến một thói quen rất xấu, hiện diện ở mọi gia đình, mọi tầng lớp, giới tính, độ tuổi, đó chính là: ăn nhanh
“Gia đình ăn cơm, sum họp”, tranh của Hoàng Ngọc Phương
Nhớ có thời gian các đại biểu Quốc hội nước mình nêu lên vấn đề thực phẩm bẩn khiến dư luận khi ấy lại được dịp bàn tán xôn xao (một vấn đề đã cũ). Tôi thì lại muốn nhắc đến một khía cạnh khác, dễ xử lý hơn nhiều trong việc ăn uống của người Việt, đó là ăn cái gì không bằng ăn thế nào.
Những thói hư tật xấu của người Việt thì đã được nhắc đến nhiều nhưng hình như chưa thấy ai nói đến một thói quen rất xấu, hiện diện ở mọi gia đình, mọi tầng lớp, giới tính, độ tuổi, đó chính là: ăn nhanh.
Ăn nhanh thì có gì là xấu? Về mặt sinh học, ai đã học hết phổ thông đều hiểu rằng ăn nhanh không có lợi cho tiêu hóa. Ăn nhanh tức là nhai qua loa, thức ăn không được nghiền nát kĩ bằng răng, các chất tinh bột không được phân giải một phần bằng nước bọt nên khi xuống dạ dày khó tiêu hóa và không hấp thu được toàn bộ chất dinh dưỡng. Có câu: “Nhai kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Khi nhai kĩ, thức ăn được nghiền nhỏ sẽ khiến dạ dày bớt áp lực hoạt động rất nhiều. Người Việt Nam thích thức ăn giòn, dai cho khoái khẩu nên các món ăn của ta không nghiền nhừ, hầm nát như ẩm thực Ấn Độ, ẩm thực phương Tây. Chính thế mà ta lại càng cần phải nhai kĩ hơn họ.
Tỉ lệ người mắc bệnh đau dạ dày đang ngày càng tăng một cách chóng mặt. Bạn thử nghĩ trong đầu xem có phải bạn đang biết ít nhất một người bị bệnh này. Đau dạ dày gây ra bao nhiêu phiền toái trong cuộc sống cũng bởi cách ăn uống không điều độ trong đó có ăn nhanh. Bố thường kể, không hề xấu hổ: “Thời bao cấp, ba đi học đại học, ai cũng phải bỏ sẵn cái thìa trong túi quần, đến giờ cơm là phải xúc cật lực không hết phần”. Mẹ thì đùa: “Cứ ăn đủng đỉnh như con, sau này sống tập thể thì không có gì mà ăn”. Ông nội đã tám mươi vẫn giữ tác phong quân đội, ba lần và là hết bát cơm; ông nói: “Của không ngon nhà đông con cũng hết”. Sự khốn khó của một thời đã khiến bao người ở tuổi trung niên đang bị đau dạ dày quấy rầy. Nhưng lạ thay, hiện nay, kể cả những gia đình khá giả và đặc biệt ngày càng nhiều người trẻ bị đau dạ dày.
“Bữa tối vui vẻ”, tranh của Lê Thị Khánh Vy. 9 tuổi
Hàng ngày không biết bao nhiêu học sinh, sinh viên, công nhân viên nhịn ăn sáng để vào kịp giờ học, giờ làm việc (khoảng 7h15 -7h30, rất sớm nếu so sánh với khu vực và thế giới). Trong các công đoạn chuẩn bị trước khi ra khỏi nhà buổi sáng thì ăn sáng luôn bị xem nhẹ nhất, dành ít thời gian hơn chải tóc, trang điểm, cạo râu… rất nhiều. Ăn thật vội, nuốt thật nhanh, liền sau đó đi, chạy như bay còn không kịp nữa thì bỏ. Trong bữa cơm nhiều gia đình, nếu không cho phép nói chuyện thì khắt khe quá, người ngồi ăn chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng cho hết bữa là rất không tốt, nhưng nếu buông lỏng đến mức bố mẹ mải xem tivi còn con cái dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng thì cũng hỏng. Việc hướng sự chú ý vào một chương trình không chỉ khiến não phân tâm, dạ dày hoạt động không tốt mà còn khiến ta lười nhai, chỉ nhai trợn trạo rồi nuốt. Nếu mỗi người vừa ăn vừa trò chuyện đôi ba câu, không vừa ăn vừa nói, tập trung vào thức ăn, ai cũng nhai từ từ thì mới thực là có văn hóa và tốt cho sức khỏe.
Có người đổ lỗi tại không có thời gian. Không phải. Bữa ăn có khi kéo dài hàng tiếng đồng hồ nhưng mỗi miếng ăn vẫn bị nhai rất vội. Ăn ít cũng được nhưng nên nhai cẩn thận. Người ta có thời gian ngồi cà phê, trà đá hàng dăm ba tiếng nhưng ăn thì chỉ trong năm mười phút. Dần dần việc mỗi người ăn nhanh ảnh hưởng tới cả những chuyện khác trong xã hội. Không có cuộc thi ăn nhanh nào diễn ra với quy mô lớn hơn những như tiệc cưới đang diễn ra trên khắp cả nước. Người người ăn vội ăn vàng, chưa đầy hai mươi phút là đứng dậy, người đang ăn cũng phải buông đũa vì những người khác trong mâm đã xong “nhiệm vụ” cả rồi. Ăn như thế vừa khổ cho mình, vừa tội nghiệp thức ăn và đầu bếp. Lúc học phổ thông tôi ăn rất nhiều mà thời gian ăn lại chỉ được cho phép bằng người khác nên đi ăn đông người thường ăn rất nhanh cho kịp. Khi sang nước ngoài, tôi giảm tốc độ xuống mặt bằng chung, ngồi nhai kĩ mới biết mình đã quên mất từ lâu vị ngọt của cơm là thế nào.
Người Việt ăn đã nhanh sẵn, giờ lại chuộng fast food, mấy thứ đồ ấy đã vốn không có chất gì bổ dưỡng lại ăn phồng mồm trợn má kiểu Mỹ thì việc ăn chỉ còn một mục đích duy nhất là tập thể dục cơ mồm mà thôi. Tôi vẫn tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế rằng ẩm thực Việt là “slow food” đối lập với fast food, vì nó lành mạnh và phải ngồi ăn thong thả. Một lần, tôi dẫn một đoàn khách Việt Nam sang thăm Australia đi ăn phở với mấy người bạn nước ngoài. Chưa đầy mười phút sau khi thức ăn dọn ra, nửa bên Việt Nam đã ngồi xỉa răng, các bạn Tây đang ăn cứ trợn hết cả mắt, trong khi những bát phở ăn xong ấy còn thừa phở, thừa thịt.
“Phở Hà Nội”, tranh của Nguyễn Thanh Phương
Cho nên ở nước ngoài có câu ca dao lưu truyền để nhận biết người Việt thế này:
“Ăn nhanh, đi chậm, hay cười
Mua hàng giảm giá, đúng người Việt Nam.”